Gạch block ra đời là một nỗ lực của ngành xây dựng cho việc giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của việc nung gạch đến môi trường. Đây là một loại vật liệu khá thân thiện với môi trường, đang dần được ứng dụng trong nhiều công trình khác nhau. Cùng tìm hiểu về kích thước gạch block nhé!
Gạch block là gạch gì?
Gạch block còn có tên gọi là gạch không nung, gạch bê tông hay gạch xi măng cốt liệu. Nghe cái tên đã hình dung được quá trình tạo thành. Đó là sử dụng các loại vật liệu thông thường như xi măng, mạt, đá nhỏ, cát… trộn theo tỷ lệ. Sau đó đổ vào khuôn thép, dùng lực ép bằng máy rung thủy lực. Qua quá trình đông đặc thì tháo khuôn và sẽ được một viên gạch block hoàn chỉnh
Do đóng bằng khuôn và công đoạn dễ tiến hành, nên gạch block có khá nhiều chủng loại, kích thước, chất lượng khác nhau, sản xuất ra phù hợp với đa dạng mục đích xây dựng.
Hình ảnh loại gạch block thường gặp
Các kích thước gạch block cơ bản nhất
Kích thước gạch block dùng xây công trình phụ:
Thường sẽ tương đương với gạch truyền thống 390 x 190 x 150 mm
Gạch loại này do dùng vật liệu cốt thường như mạt, đá vụn nên giá thành rẻ, hay được sử dụng xây các khu vệ sinh hoặc chuồng trại chăn nuôi.
Tuy nhiên, hạn chế lại ở chỗ mẫu mã không đẹp vì hay sản xuất trong các nhà xưởng nhỏ lẻ, loại xi măng dùng không mấy chất lượng nên trọng lượng nặng, độ chống thấm kém, thời hạn sử dụng chỉ khoảng trong vòng 5 – 10 năm là sẽ phải thay thế hoặc có biện pháp khắc phục.
Kích thước gạch block bằng với gạch tuynel thông thường
Gạch block bằng với gạch tuynel thông thường nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng khi quen với gạch nung truyền thống. Có các kích thước phổ biến như:
- Gạch đặc hoặc 2 lỗ: 210-220 x 105-110 x 60mm
- Gạch 6 lỗ: 220 x 150 x 106mm hoặc loại 6 lỗ nhỏ 75 x 115 x 175mm
- Có một số nơi dùng gạch 2 lỗ nhỏ 50 x 85 x 170mm
Do kích thước tương đương nên bạn hoàn toàn có thể cân nhắc sử dụng gạch block để xây nhà, xây tường, các công trình dân dụng cơ bản. Do có lợi thế về mặt giá cả, thi công cũng rút bớt công đoạn ngâm gạch, hay tránh vỡ nát trong giai đoạn đẽo gọt gạch nhờ có nhiều loại kích thước khác nhau.
Kích thước gạch block dạng rỗng
Loại gạch này thường có kích thước lớn, khoảng 390 x 150-190 x 190mm hoặc 400 x 100-200 x 200mm.
Gạch block dạng rỗng dễ dàng bắt gặp tại các công trình công cộng. Do thiết kế có lỗ rỗng lớn, thành vách mỏng, tính chất cách âm, cách nhiệt tốt, giúp giảm bớt thời gian thi công, giảm cả lượng vữa xây. Nhiều cơ sở sản xuất gạch block dạng rỗng chuyên nghiệp đã cho ra nhiều mẫu mã gạch đẹp, sử dụng cho cả mục đích trang trí, xây các khu tạo hình ngoài trời.
Kích thước gạch block bê tông tự chèn
Khác với các loại gạch trên dùng để xây tường, nhà thì gạch block bê tông tự chèn hợp với việc lát vỉa hè, sàn, đường phố, sân bãi hoặc quảng trường, nơi công cộng có diện tích nền rộng. Đặc điểm của gạch này là không cần chất kết dính giữa các viên gạch mà chỉ cần xếp đúng và sát cạnh nhau thì sẽ tự tạo ra lực chèn chặt. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo thi công nhanh.
Hình dáng của loại gạch block này khá đa dạng, thường tuân theo tiêu chuẩn TCVN 6476:1999, kích thước cũng thay đổi theo hình dáng. Có thể là hình lục lăng đều, có chiều cao 60cm, hay hình vuông, mỗi cạnh 20 – 40cm…
Ưu điểm khi sử dụng gạch block
Có rất nhiều ưu điểm của loại gạch block, mà hiện nay chúng đang được khuyến khích dùng để thay thế gạch nung ở mọi nơi có thể:
- Quá trình sản xuất không cần đến lò nung, không cần đốt than củi, không phát sinh ra khí thải gây hại đến môi trường – là một vật liệu xây dựng “xanh”
- Tận dụng được nhiều loại vật liệu như cát, đá mạt, không nhất thiết phải là cốt liệu có chất liệu cao, hay bắt buộc phải có đất sét như gạch nung – khi mà nguồn đất ngày càng hiếm hoi
- Sử dụng phối hợp với các vật liệu nhân tạo như polime, nhựa silicat để cho ra đời viên gạch có kích thước tương đương nhưng lại nhẹ hơn rất nhiều so với các dòng khác
- Hạn chế sức người trong quá trình sản xuất: nếu sản xuất gạch block nhỏ lẻ thì chỉ cần khuôn và máy nhỏ, sản xuất lượng lớn thì sẽ có dây chuyền tự động, giảm tối đa chi phí dành cho nhân công
- Tiết kiệm chi phí: theo nhiều so sánh, cùng một công trình, nếu xây bằng gạch block, sẽ tiết kiệm chi phí cho gạch ít nhất 30% so với gạch nung
- Cường độ chịu lực lớn: do bản chất là xi măng nên sẽ tiết kiệm được lượng xi măng làm chất kết dính, mà vẫn đảm bảo được độ chịu lực ở những nơi chịu áp lực lớn -> tiết kiệm cả thời gian xây
- Tính chất cách âm, cách nhiệt được đánh giá cao: phù hợp xây nhà xưởng sản xuất, giảm ô nhiễm tiếng ồn ra bên ngoài
- Kích thước gạch lớn: đẩy nhanh tiến độ xây dựng
- Sử dụng gạch block trong làm vỉa hè: tiết kiệm vữa giữa các khe nối, dễ dàng thay đổi khi có nứt vỡ hoặc lún đường. Nhiều loại màu sắc và hình dạng, chủ thầu thoải mái lựa chọn để có độ thẩm mỹ cao.
Nhược điểm gạch block
Tuy nhiều ưu điểm nhưng gạch block vẫn không tránh khỏi một vài nhược điểm, mà nếu khắc phục được thì sẽ là một sự lựa chọn không tồi cho các chủ thầu xây dựng:
- Do có những cơ sở sản xuất thủ công nên chất lượng giữa các viên không đồng đều, những viên gạch block dạng này chỉ hợp xây các công trình ngắn hạn
- Nguyên liệu sử dụng chính cho gạch block là cát và đá, nhưng một vài phụ gia như xi măng và bột nhôm cũng gây tác hại đáng kể đến môi trường
- Với các khu vực chịu lực cực cao khoảng 300 – 400 kg/cm2 thì không khuyến khích dùng gạch block.
- Khả năng chống thấm kém hơn
- Cốt xi măng nên dễ gặp trường hợp co ngót gây nứt tường khi chịu tác động do thời tiết
Vậy là tất cả kích thước gạch block cũng như các ưu nhược điểm của chúng đều đã được nhắc đến. Hy vọng sẽ giúp bạn cân nhắc kỹ càng và đưa ra lựa chọn chính xác.